Lựa chọn nào cho LEGO robotics: Power Functions, MINDSTORMS EV3, Education WeDo 2.0 hay LEGO BOOST?
Nếu bạn quan tâm tới việc lắp ráp người máy (tự động hoá/robotics) hay học STEM với LEGO hẳn nhiên bạn sẽ khá bối rối với nhiều dòng LEGO na ná nhau, tất cả đều đang có trên thị trường và có những nhóm người sử dụng khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu xem chúng có liên quan tới nhau như thế nào nhé :)
LEGO Power Functions có lẽ là cách đơn giản nhất để tăng thêm "power" cho các mô hình LEGO, hay cụ thể hơn là làm cho các mô hình LEGO của bạn "chuyển động được". Dòng sản phẩm LEGO này bao gồm một số loại động cơ khác nhau, hộp đựng pin thông thường (AA và AAA) và pin có thể xạc lại, đèn, và các bộ phận dùng để điều khiển từ xa (RC - remote control).

Không có thành phần nào dành cho robotics trong dòng Power Functions, chúng chủ yếu để sử dụng với các mô hình tàu hoả và LEGO Technic (ôtô, máy móc xây dựng...). Sử dụng Power Functions rất dễ dàng, ngay cả trẻ em cũng có thể gắn được động cơ cho các mô hình LEGO của mình. Mặt hạn chế là các thành phần và đầu nối có kích thước khá lớn nên sẽ khó sử dụng với các mô hình nhỏ.

LEGO MINDSTORMS EV3 là bộ đồ chơi LEGO phức tạp nhất hiện nay dành riêng cho robotics, được sử dụng phổ biến trong trường học và cả cộng đồng người chơi LEGO robotics. Thành phần quan trọng nhất là bộ điều khiển EV3 Intelligent Brick được gắn bộ vi xử lý ARM9 cùng với một cổng USB, đầu đọc thẻ nhớ microSD, nút điều khiển, và 4 cổng gắn động cơ. LEGO MINDSTORMS là dòng sản phẩm dựa trên LEGO Technic, nó cũng bao gồm các loại động cơ, cảm biến và các đầu nối để sự dụng với EV3 Intelligent Brick.

MINDSTORMS hướng tới đối tượng sử dụng là thanh niên và người lớn, và có thể sử dụng để lắp ráp gần như không giới hạn các loại robot. Tuy nhiên do sử dụng các thành phần có kích thước lớn và các chi tiết LEGO Technic nên robot thường trông có vẻ lạc hậu và không hấp dẫn lắm :). Tương tự như Power Functions, các thành phần của MINDSTORMS đều có bán lẻ để người chơi có thể mua theo nhu cầu riêng của mình.

Nhóm sản phẩm tiếp theo là LEGO Education WeDo 2.0, đây là sản phẩm nằm trong một nhánh tương đối tách biệt của LEGO - LEGO Education (LEGO dành cho môi trường giáo dục/trường học). WeDo 2.0 thường được sử dụng trong trường học với đầy đủ giáo trình để dạy về các kỹ năng khoa học do đó nó không hay được biết đến trong cộng đồng người chơi LEGO.

Một bộ WeDo 2.0 bao gồm một thùng nhựa lớn, có các khay đựng các chi tiết LEGO, một bộ điều khiển SmartHub, một động cơ, một số cảm biến, và các chi tiết LEGO thông thường. Ngoài ra còn có thêm một phần mềm chạy trên máy tính hoặc tablets cung cấp một môi trường lập trình khá dễ sử dụng. Bộ giáo trình WeDo 2.0 Curriculum Pack đi kèm cung cấp nội dung về sự sống, vật lý học, trái đất, khoa học không gian, và các ngành kỹ thuật khác. Chú ý là WeDo 2.0 là sản phẩm dựa trên Power Functions và các chi tiết tương thích với chi tiết LEGO thông thường cũng như LEGO Technic. Tuy nhiên các đầu nối của các thành phần sử dụng điện thì khác nhau.

Trong khi LEGO Power Functions, MINDSTORMS, và WeDo 2.0 không tương thích với nhau (ít nhất là khi không sử dụng một số thủ thuật) thì lại xuất hiện thêm một sản phẩm mới khiến chúng ta càng bối rối hơn: LEGO BOOST.

Chúng ta có thể thấy ngay là LEGO BOOST có vẻ tương tự Power Functions và WeDo 2.0 vì chúng đều có thể sử dụng với các chi tiết LEGO thông thường, vì vậy nên có vẻ nó quen thuộc hơn LEGO MINDSTORMS. Nó cũng giống WeDo 2.0 ở chỗ có một bộ điều khiển trung tâm (Move Hub) bao gồm 2 động cơ với đồng hồ vận tốc, kết nối Bluetooth với tablets, các cổng vào/ra, cảm biến xoay 6 hướng, đèn nhiều màu và ngăn đựng pin.

LEGO BOOST không tương thích với LEGO MINDSTORMS hoặc LEGO Power Functions nhưng có các đầu nối 6 chân giống như WeDo 2.0; một điều khá thú vị là trên website LEGO Education có nói rằng "đây là kiểu đầu nối mới của LEGO Power Functions được tối ưu để dành cho các nhu cầu trong tương lai". Để trả lời điều đó có nghĩa gì với hệ thống đầu nối hiện tại của Power Functions và MINDSTORMS, và liệu các kiểu đầu nối này sẽ thay đổi, LEGO trả lời rằng "các kiểu đầu nối cũ chắc chắn sẽ được chuyển đổi sang kiểu mới sau một giai đoạn chuyển giao". Tuy nhiên chưa có thông tin gì về thời điểm thực hiện việc này.

Như vậy hiện tại các dòng sản phẩm robotics và các thành phần sử dụng điện của LEGO là không tương thích với nhau, nhưng LEGO đã có kế hoạch đưa chúng về chung một tiêu chuẩn, là tiêu chuẩn đang sử dụng ở LEGO BOOST và LEGO Education WeDo 2.0; Về cơ bản LEGO BOOST là một phiên bản đại chúng hơn của WeDo 2.0 và đấy có vẻ là cái mà LEGO có kế hoạch phát triển trong tương lai.

Câu hỏi tiếp theo là liệu phần mềm sử dụng cho các sản phẩm robotics có được chuẩn hoá lại không, bởi vì nếu không có phần mềm thì các mô hình kiểu này không thể hoạt động được. Phần mềm dành cho LEGO MINDSTORMS chỉ có trên máy tính Windows hoặc Mac, trong khi đó phần mềm của LEGO Education WeDo 2.0 có thể chạy trên máy tính và nhiều loại tablets, LEGO BOOST thì chỉ có app chạy trên một số loại tablets.

Nếu bạn mới bắt đầu tìm hiểu về LEGO robotics thì chúng tôi khuyên bạn nên quan tâm tới LEGO BOOST, vì đây là hướng đi của LEGO trong tương lai, cũng như sản phẩm này được phát triển để lập trình robot dễ dàng hơn với những người mới bắt đầu và trẻ em nhỏ tuổi. Lưu ý là hiện nay LEGO BOOST mới chỉ có app trên một số tablets. LEGO Education WeDo 2.0 cũng là một lựa chọn tốt đặc biệt bạn muốn đầu tư nhiều hơn vào khía cạnh giáo dục. Chúng tôi không khuyên bạn đầu tư vào LEGO MINDSTORMS lúc này vì nó đã ra đời khá lâu và rõ ràng sắp có các thay đổi. Còn nếu bạn chỉ đơn giản muốn thêm các "chuyển động" vào mô hình LEGO thì Power Functions sẽ là lựa chọn đơn giản nhất và rẻ nhất.
Bạn đã sử dụng dòng LEGO nào ở đây? Bạn có yêu thích LEGO robotics? Chúng tôi rất mong muốn nhận được ý kiến chia sẻ từ các bạn.
theo The Brick Blogger